Trang

14 tháng 3, 2013

Bình luận: Barcelona không thể thay đổi?




Người khổng lồ xứ Catalan đã vượt qua AC Milan bằng một đội hình “kinh điển” nhất trong triều đại Pep Guardiola. Phải chăng, tiqui-taka của họ chỉ mạnh mẽ với sơ đồ ấy?


Để thua trước AC Milan và Real Madrid tổng cộng ba trận trong vòng hơn một tuần trên ba đấu trường khác nhau hẳn là quãng thời gian đáng thất vọng nhất của Barcelona kể từ năm 2008 cho tới nay, khi họ chinh phục cả thế giới bằng thứ bóng đá Tiqui-taka quyến rũ đến mê hoặc. Người khổng lồ tưởng như đã ngủ quên chợt tỉnh giấc đêm qua để đè bẹp đại diện đến từ Ý, tiến vào vòng tứ kết Champions League 2012/13.

Chiến thắng ấy, về mọi mặt, đều rất đáng quí. Nó giúp cho Barca giải tỏa được tâm lý căng thẳng sau những thất bại liên tiếp ở những trận đấu lớn. Los Blaugrana đã thể hiện được một lối chơi kinh điển, một bản lĩnh kinh điển từng đưa họ tới những đỉnh cao trong lịch sử bóng đá. Tuy nhiên, đặt trong một góc nhìn khác, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra một câu hỏi: Phải chăng sự “kinh điển” ấy là không thể thay đổi?

Đè bẹp Milan bằng sơ đồ “Barca-diola”

Năm 2011, sau khi Barcelona giành chức vô địch châu Âu, khái niệm “Barca-diola” được hình thành để chỉ sơ đồ 4-3-3 được HLV Josep Guardiola sử dụng, gồm thủ thành Victor Valdes, bộ tứ vệ Carles Puyol – Gerard Pique – Dani Alves – Eric Abidal, bộ ba trung tuyến Sergio Busquets – Xavi Hernandez – Andres Iniesta, hai tiền đạo cánh Pedro Rodriguez – David Villa, và cuối cùng là “siêu nhân” Lionel Messi ở vị trí tiền đạo trung tâm, trong vai trò “số 9 ảo”.

Đêm qua, “Barca-diola” lại xuất hiện, chỉ với hai sự thay đổi duy nhất: Abidal được thay bằng Jordi Alba và Javier Mascherano thế chỗ cho Puyol với thể trạng không tốt. Barcelona lập tức tái hiện được những phẩm chất tuyệt vời đã đưa tên họ lên đỉnh cao của bóng đá thế giới với những pha bật nhả ăn ý, lối chơi áp sát khắp mặt sân cùng khả năng trừng phạt mọi sai lầm nhỏ nhất của đối thủ.


Trong các bài viết Góc chiến thuật trận AC Milan 2-0 Barcelona và Góc chiến thuật trận Barcelona 1-3 Real Madrid, Goal.com Vietnam đã chỉ ra hai sự trục trặc trong cách vận hành của Barca: Vai trò của Cesc Fabregas và việc Messi không còn di chuyển rộng. Những sự cách tân chiến thuật để thích nghi với phong độ kém của Villa, Pedro và Alexis Sanchez của HLV Tito Vilanova đã không được trợ lý Jordi Roura vận dụng một cách linh hoạt, dẫn đến sự bế tắc của Barca trong hai trận đấu quan trọng kể trên. Còn trong ngày hôm qua, cả hai lỗi đã được giải quyết hiệu quả. Ngoài việc Messi di chuyển rộng trở lại, vốn chỉ là vai trò cá nhân, thì việc Fabregas ngồi trên ghế dự bị để Villa đá tiền đạo cánh, Iniesta trở lại vai trò tiền vệ đã giúp cho Barcelona trở lại với đúng hình ảnh của họ.

Không quá khi cho rằng đêm qua, hình ảnh Barcelona “vô đối” dưới triều đại Guardiola đã hiện hình trở lại.

Phải chăng Barcelona không thể thay đổi?

Đây không phải là một vấn đề đơn giản. Sau thành công của ĐT Tây Ban Nha, người ta đã cho rằng thực chất vấn đề không nằm ở sơ đồ mà chỉ nằm ở triết lý bóng đá. Tiqui-taka có thể đưa mọi đội bóng đến đỉnh cao nếu như nó trở thành linh hồn của đội bóng đó. Điều này đúng một phần, nhưng rõ ràng, nếu những mắt xích chính xộc xệch, tiqui-taka khó có thể “hiển linh”.

Ở cả cấp ĐTQG cũng như CLB, đã có quá nhiều những phân tích cho thấy rằng, chỉ cần thiếu đi Xavi và Iniesta (hoặc khi họ có phong độ thấp) thì lập tức TBN hoặc Barca sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cách vận hành chiến thuật. Chúng ta đều đã thấy TBN khó khăn ra sao trong trận hòa 1-1 trước ĐT Italia ở vòng bảng EURO 2012, khi Xavi không còn là chính mình. Hay như chính Barca: Khi mất đi các tiền đạo cánh đích thực, họ buộc phải đẩy Iniesta ra cánh, sử dụng Fabregas ở tuyến giữa, và mọi thứ không còn được như mong muốn khi “San Andres” liên tục bó vào trung lộ để điều tiết nhịp độ theo thói quen chơi bóng, dẫm lên vị trí của Cesc và vô tình khiến cho cựu đội trưởng của Arsenal nhạt nhòa, còn cánh trái thiếu đi áp lực liên tục cho hành thủ đối phương.

Xavi và Iniesta là không thể thay thế?

Sự phụ thuộc vào Iniesta và Xavi này cũng đáng để người hâm mộ lo lắng rằng, hiện tại họ không thể bị thay thế, thì chắc gì đã có ai đủ sức thay thế họ trong tương lai? Cho tới lúc này, cả Fabregas hay Thiago Alcatara - những tiền vệ hay nhất của lò đào tạo La Masia đều không thể lấp đầy vai trò của bộ đôi đàn anh, dù trên lý thuyết, kỹ năng chơi bóng của họ không hề kém cạnh.

Một sự thay đổi bất thành cũng đáng được nói đến là ở vai trò tiền đạo trung tâm. Zlatan Ibrahimovic giờ đã coi đội bóng áo sọc xanh-đỏ là một cái gai trong mắt, bởi anh đến với Barca trong đỉnh cao phong độ năm 2009, được coi là “số 9” hay nhất thế giới khi ấy, nhưng rồi sớm phải xách va-li ra đi chỉ vì tiqui-taka không có chỗ cho một trung phong cắm đích thực như Zlatan.

Hẳn nhiều người sẽ đồng ý rằng, có những thứ đã quá hoàn mỹ chỉ cần một chút thay đổi, xê dịch cũng có thể trở thành vô nghĩa. Mọi chiến thuật, mọi triết lý bóng đá muốn duy trì dài lâu đều cần có những thế hệ mới kế tục và nối tiếp cho thế hệ cũ. Nếu không, nó sẽ chỉ có thể ở lại với sử sách mà thôi.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives