Câu hỏi vì sao Messi bị dân Argentina ghét bỏ cho thấy: người ta chỉ đi tìm nguyên nhân, chứ không đặt ra vấn đề có hay không có tình trạng kỳ lạ ấy. Đấy không phải là câu hỏi của người viết, mà là câu hỏi của một nhà báo Argentina - cây bút Claudio Mauri trên tờ báo La Nacion.
MESSI LÀ AI?
Cuối năm 2009, Lionel Messi đoạt "Quả bóng Vàng châu Âu" bằng một chiến thắng áp đảo, trước và sau đó chưa bao giờ có. Anh được 473 điểm, từ con số tối đa có thể là 480 điểm, tức là đạt đến 98,54% số điểm tối đa. Người về nhì, "Quả bóng Vàng 2008" Cristiano Ronaldo, có số điểm chưa bằng phân nửa điểm số của Messi. 90 trong số 96 nhà báo tham gia bỏ phiếu ghi tên Messi vào vị trí số 1. Đấy cũng là năm mà Barcelona làm "cú ăn 6" lịch sử, vô địch từ Champions League đến Club World Cup, từ La Liga đến Copa del Rey, và lấy mọi chiếc Siêu Cúp.
Tóm lại, cả thế giới ngưỡng mộ Messi ở thời điểm ấy? Nếu như ai đó khẳng định như vậy, thì phải nói thêm: hãy trừ đi quê hương của chính Messi trong cái thế giới ấy. Khi mà ở những nơi khác, người ta múa bút để đưa thiên tài Messi lên tận mây xanh thì tại Argentina, nhà báo nổi tiếng Claudio Mauri viết trên tờ La Nacion: "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay là một anh chàng Argentina. Nhưng tại Argentina, mức độ nổi tiếng của anh ta còn thua cả một… trọng tài".
Messi bỏ xứ ra đi từ thuở 13, vươn lên từ học viện bóng đá La Masia của Barcelona, sau khi đã nổi tiếng ở châu Âu thì mới khoác áo đội tuyển Argentina. Phải gọi Messi là ngôi sao của Barcelona chơi cho đội tuyển Argentina, thay vì đấy là cầu thủ Argentina khoác áo Barcelona. Nhưng không phải vì thế mà người Argentina ghét bỏ Messi. Tại Argentina, đâu ai gọi Gonzalo Higuain là "cầu thủ Pháp" hoặc "cầu thủ TBN", dù anh sinh ra tại Pháp và đã khoác áo Real Madrid suốt 5 năm nay.
THIÊN TÀI BỊ KÉO XUỐNG
Đến giờ, bố của ngôi sao số 1 thế giới vẫn chỉ trả lời một kiểu khi được hỏi về nguyên nhân khiến ông phải đưa Messi sang Barcelona: không ai ở Argentina chịu trả tiền để Messi chữa bệnh thiếu hormone sinh trưởng.
Nói cách khác: trước khi tận hưởng thành công trong bóng đá dưới màu áo Barcelona, Messi đã được hưởng sự nhân đạo khi sang xứ Catalonya ở tuổi 13. Chỉ có tại đấy, Jorge Messi mới thật sự yên tâm rằng con trai mình sẽ được phát triển như một con người bình thường. Và Messi trở thành ngôi sao của Barcelona hơn là ngôi sao Argentina. Từ chỗ "đau" vì đánh mất một ngôi sao lớn, giới bóng đá Argentina quay sang ghét bỏ Messi.
Trên thực tế, chưa bao giờ Messi thành công trong đội tuyển Argentina. Đấy cũng là một chi tiết đáng lưu ý. Messi không thể hòa nhập với lối chơi của đội Argentina, hay chính đội tuyển Argentina không muốn dung nạp Messi? Câu trả lời: cả hai đều đúng. Ở trận Argentina thua Đức ở tứ kết World Cup 2006, Messi không được xuất hiện trên sân? Các trụ cột Argentina như thủ quân Roberto Ayala hoặc hậu vệ Gabriel Heinze luôn tỏ ra khó chịu khi báo chí chỉ săn lùng mỗi Messi, sau Juan Riquelme. Chính Ayala yêu cầu HLV Jose Pekerman không ghi tên Messi vào đội hình xuất phát. Trên sân tập, Heinze đã nổi nóng, suýt trả đũa Messi chỉ vì ngôi sao trẻ liên tục lừa qua đàn anh bằng các động tác "hỗn", như đưa bóng qua 2 chân (Pekerman phải cho Messi nghỉ sớm để tránh xung đột).
Messi làm thế vì anh chỉ biết mỗi một việc: chơi bóng theo ý muốn của mình, và điều ấy chỉ có thể diễn ra trên sân tập. Vì nhút nhát, và vì quá trẻ, Messi chẳng nói chuyện hay pha trò với ai trong đội. Anh không biết, cũng chẳng cần biết đội tuyển Argentina gồm bao nhiêu "phe". Trong phòng cầu thủ, Messi luôn chọn một góc riêng nào đó và… ngồi im. Một cách tình cờ, Messi bị chính các cầu thủ đàn anh trong đội Argentina ghét bỏ, cho rằng anh kiêu ngạo, mắc bệnh ngôi sao. Các đàn anh chỉ muốn "trị" Messi, thay vì dìu dắt cầu thủ trẻ nhất trong đội. Chính họ đã kéo Messi xuống đẳng cấp tầm thường, ngược hẳn với tình trạng Messi luôn được các ngôi sao đàn anh trong đội Barcelona hỗ trợ để liên tục vươn lên những tầm cao mới.
ĐE DỌA TƯƠNG LAI MARADONA
Thật ra, Messi không bao giờ "láo". Trớ trêu ở chỗ, Messi càng nhút nhát, càng cố trốn vào cái vỏ ốc của mình, thì anh lại càng trở thành cái gai trong mắt những người xung quanh. Khi đội tuyển Argentina tổ chức tiệc nướng (đây là thói quen truyền thống của ĐT Argentina trong đợt tập trung trước những giải lớn), Messi luôn lủi thủi một mình. Anh không biết đến thăm HLV trưởng trong ngày Noel, một thông lệ khác của các tuyển thủ Argentina. Hồi trước World Cup 2006, LĐBĐ Argentina thậm chí chẳng biết cách nào để liên hệ với Messi.
Những chuyện như thế riết rồi cũng được hé lộ, và mối quan hệ giữa Messi với giới bóng đá Argentina cũng "đỡ" dần. Duy có một điều Messi không bao giờ được tha thứ. Trước thềm World Cup 2010, anh nói rất rõ: "Tôi chỉ chơi tốt khi đá chung với Riquelme" (thực tế đúng là như vậy).
Nói thế thì quá "đụng chạm" đối với các cầu thủ cạnh tranh chỗ đứng với Riquelme. Vả lại, Riquelme chính là… kẻ thù của Diego Maradona. Riquelme từ bỏ đội tuyển, tuyên bố "không bao giờ quay lại nếu Maradona còn là HLV trưởng". Thế là Messi tình cờ rơi vào nguy cơ thất bại, nói đúng hơn là một thất bại được báo trước, tại World Cup 2010. Khoan nói Maradona không hề biết cách huấn luyện. Dù ông huấn luyện giỏi giang, cũng khó có chuyện Messi được những "đối thủ của Riquelme" mớm bóng. Messi mà thành công tại World Cup 2010 thì đấy mới là chuyện lạ.
Đấy cũng là một vấn đề, có lẽ là vấn đề lớn cuối cùng ngăn cách Messi với người hâm mộ Argentina. Một nước không có hai vua. Vậy thì, chẳng lẽ người dân Argentina lại tôn vinh Messi, đồng nghĩa hạ bệ tượng đài Diego Maradona của họ? Hãy hỏi bất cứ cổ động viên nào tại Argentina về kiệt tác solo của Messi, ghi vào lưới Getafe tại Copa del Rey 2007. Họ sẽ nổi nóng: "Vớ vẩn, làm sao có thể so sánh Messi với Maradona?".
Báo chí châu Âu mổ xẻ, cho rằng pha bóng ấy đẹp hơn pha solo của Maradona trong trận gặp Anh tại World Cup 1986. Đã vậy, giới hâm mộ Argentina lại càng ghét bỏ Messi. Nói là lo sợ cũng được. Ngay tại quê hương của Messi, người ta đang sợ anh sẽ có ngày giỏi hơn Maradona - một bậc thần thánh!
Năm 2009, Argentina công bố danh hiệu VĐV xuất sắc nhất trong năm. Giải thưởng thuộc về một VĐV quần vợt (Juan Martin del Potro). Còn năm 2010, VĐV xuất sắc nhất Argentina là một cầu thủ… khúc côn cầu trên cỏ. Cứ như các nhà báo thể thao Argentina (những người bình chọn) không biết Messi là ai!