Trang

7 tháng 3, 2012

Hiện trạng HLV Việt Nam: Tại sao nhân tài như lá mùa thu?

Mỗi năm, ở Việt Nam, có hàng trăm người tham gia các khóa đào tạo HLV với rất nhiều lớp đào tạo được tổ chức do nhiều chuyên gia nước ngoài đứng lớp. Bên cạnh đó, không ít các HLV nội quyết định du học. Song trên thực tế, những người đủ khả năng dẫn dắt các đội bóng ở V.League vẫn đếm trên đầu ngón tay. Vì sao?

THẤT BẠI BỞI TÍNH CÁCH NHIỀU HƠN CÁCH TÍNH

Bóng đá Việt Nam không thiếu HLV và mỗi năm, chúng ta đào tạo mới cả trăm học viên, phần nhiều là các cựu cầu thủ. Thậm chí, ngay cả nhiều người đang thi đấu cũng đi học nhằm chuẩn bị sẵn tương lai. Đào tạo nhiều nhưng thành công rất ít vì việc đào tạo HLV rất khác biệt, không phải cứ học là giỏi và có những điều mà chẳng có sách vở nào dạy cả.

Để thành công, một HLV cần có tài năng, có cách tính hợp lý về chuyên môn, nhỏ từ chuyện lên giáo án từng buổi tập, nghiên cứu đối thủ, đọc tình huống trận đấu và xa hơn là lên chiến lược phát triển lâu dài cho cả đội bóng. Song nhiều người thất bại vì trình độ, tính cách hay do những yếu tố phi chuyên môn khác. Nhưng tựu chung, các HLV đã đúc kết một chân lý: "Thất bại bởi tính cách nhiều hơn cách tính".

HLV Trần Công Minh và HLV Nguyễn Đình Hưng là những người đại diện cho thế hệ các HLV giỏi, có chuyên môn nhưng không thành công do… tính cách. HLV Nguyễn Đình Hưng chính là thày của một loạt ngôi sao như Tấn Tài, Quang Hải, Duy Nam, Trọng Bình…. Tất nhiên, để cho ra lò những nhân tài hàng đầu như vậy, tất nhiên, ông Hưng phải có tài. Thậm chí, Tấn Tài còn coi ông Hưng như cha, chú trong gia đình và rất nể phục tài năng.



Thế nhưng, ông Hưng lại thất bại theo cách đau đớn nhất ở năm đầu tiên dẫn dắt một đội bóng chuyên nghiệp. Làm trợ lý cho HLV Vương Tiến Dũng rồi được chỉ định thay thế, ông Hưng ngồi vào chiếc ghế nóng ở Vicem Hải Phòng với biết bao khó khăn. Thói quen sử dụng quân do mình đào tạo đã khiến HLV này bị thất bại.

Việc đưa một loạt cầu thủ Khánh Hòa về Hải Phòng và tư tưởng không dùng cầu thủ địa phương khiến ông Hưng bị chống đối ra mặt. Từ nội binh đến ngoại binh, ai cũng đều phản đối và cuối cùng, HLV Nguyễn Đình Hưng phải cúi mặt ra đi dù trước đó ông được coi là người hùng khi giúp V.HP trụ hạng ở vòng cuối cùng V.League 2011.

Còn ở trường hợp HLV Trần Công Minh, người được kế thừa từ giám đốc kỹ thuật Rainer Willfeld rất nhiều "sách giáo khoa về bóng đá", cựu danh thủ này bắt tay vào nghiệp huấn luyện. Nhưng cái uy, sự mạnh mẽ của anh không đủ để át vía các học trò. Nói cách khác, tính cách của HLV người Đồng Tháp này hơi mềm nên thường "gãy" trước những tay rắn mặt.

Đến bây giờ, tất cả vẫn nhớ sự bất lực của HLV Trần Công Minh khi anh khóc ngay trước mặt các học trò. Ở ĐT.LA bao lâu và đội bóng này cũng nhiều lần thay tướng nhưng tuyệt nhiên, Trần Công Minh chỉ là phó tướng hoặc không nằm trong danh sách đội một.

KHÔNG THAY ĐỔI THÌ “CHẾT”

Mỗi năm, có hàng trăm người học lớp HLV và rất nhiều trong số đó nỗ lực để lấy chiếc bằng C - chứng chỉ cao nhất. Tuy nhiên, thực tế, những buổi học như vậy không mang lại hiệu quả như mong đợi và có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này.

Một là đội ngũ giảng viên đứng lớp không thực sự là những nhà cầm quân, họ chỉ dạy lý thuyết và giáo trình học luôn rất lạc hậu so với thế giới. Trường hợp điển hình là ông Robert Lim - giảng viên bằng B HLV của AFC tại Việt Nam - đã thất bại thảm hại khi dẫn dắt V.NB. Có lẽ, ông thầy người Singapore này là hiện thân cho tình trạng "nhiều lý thuyết mà ít thực tế". Trở ngại thứ hai chính là hệ thống giáo án, tài liệu giảng dạy cũ kỹ và quá lạc hậu so với thời đại.

Trong nhiều năm qua, khi BĐVN cởi mở với thế giới và bản thân các CLB Việt Nam cũng tích cực hợp tác quan hệ quốc tế thì đã có nhiều hơn những HLV Việt Nam được ra nước ngoài học. Phần lớn các HLV được đào tạo thành tài và có nhiều thành công trong mấy năm gần đây đều có dấu ấn của các khóa đào tạo HLV tại châu Âu.

HLV Phan Thanh Hùng, người có bằng cấp cao nhất của BĐVN, được FIFA đào tạo và vẫn thường nâng cao trình độ sau những khóa học trên đất Thụy Sỹ. Tất nhiên, những cuộc hội thảo lớn nhỏ của FIFA, HLV Phan Thanh Hùng đều có tài liệu.

Tháng 10/2011, HLV Hải Biên (Viettel) và HLV Hữu Thắng (SLNA) đã trải qua một khóa học 2 tuần ở Đức, HLV Triệu Quang Hà lặn lội sang tận Brazil để tầm sư học đạo. Có thể nói, ra nước ngoài học tập là cánh cửa duy nhất để hướng tới sự cập nhật, hiện đại và thành công. Thế nên, các HLV Việt Nam rất hâm mộ xu hướng du học này.

SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TIẾNG ANH ĐỂ NÂNG CAO NGHIỆP VỤ

Chỉ có một cách cửa duy nhất mở ra thế giới của giới HLV Việt Nam chính là máy tính, tiếng Anh. Thế hệ của những Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng… không biết ngoại ngữ, "mù" vi tính nên họ chỉ huấn luyện dựa trên những giáo án cũ, lạc hậu và dựa trên kinh nghiệm bản thân. Trong khi đó, thế hệ trẻ của những Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Triệu Quang Hà, Lư Đình Tuấn, chiếc laptop luôn là vật bất ly thân. Họ không chỉ đọc được những tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh mà còn có thể trao đổi thẳng với các ngoại binh. Điều này thực sự là công cụ, là hành trang để tiến bộ và thành công trong nghề.

Biết sử dụng máy tính, nói tiếng Anh ổn và thường xuyên gặp gỡ các đồng nghiệp, các chuyên gia hàng đầu thế giới nên giới HLV Việt Nam có cơ hội để trao đổi kinh nghiệm và nhận thêm những tài liệu cập nhật nhất. Nhờ sự cải tiến cả về suy nghĩ lẫn "công cụ lao động", các HLV đã có nhiều bài giảng sinh động cho các học trò. Thay vì những tình huống xử lý trên sa bàn, các cầu thủ giờ được học bằng video. Với các cầu thủ trẻ, những động tác thị phạm như vậy là cực kỳ quan trọng.

Trước đây, cả HLV Riedl và Calisto đã đề nghị rằng giới HLV Việt Nam nên thành lập hiệp hội HLV chuyên nghiệp Việt Nam và mời các nhà chuyên môn, HLV nổi tiếng thế giới sang giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm. Hơn nữa, các bộ phận kỹ thuật của các Liên đoàn bóng đá khu vực, châu lục và thế giới thường xuyên có những cuộc hội thảo để phân tích những yếu tố liên quan đến chuyên môn, ưu điểm của từng lối chơi, sơ đồ chiến thuật và cách phá lối chơi ấy. Những HLV Việt Nam cần có mặt hoặc có tài liệu ở những hội thảo như thế.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives