Trang

17 tháng 6, 2013

10 năm Abramovich ở Chelsea: Cải tổ hay hủy hoại EPL?


Sự có mặt của Roman Abramovich đã tạo ra một chu kỳ phát triển mới, một kỷ nguyên mới cho Premier League. Đó là điều mà cách đây đúng 10 năm, chẳng ai có thể tưởng tượng ra. Và bây giờ, cuộc cách mạng Nga mà Abramovich tạo ra là sự cải tổ hay sự hủy hoại Premier League?


10 NĂM CHELSEA PHỦ BÓNG ABRA

Ngày 17/6/2003, một người đàn ông mang quốc tịch Nga đặt chân xuống London. Ông chẳng được ai chú ý. Không ai biết người đó là một tỷ phú với giấc mộng thôn tính cả một CLB. Thời điểm đó, Premier League chỉ có một tỷ phú, đó là Mohamed Al-Fayed (Fulham). Sự có mặt của nhà tài phiệt Ai Cập này đã được coi là điều điên rồ nhất có thể trong nền bóng đá Anh thời điểm đó. Vì vậy, chuyện có một người đàn ông nước ngoài giàu có nào đó đến mua một CLB nữa chẳng khác gì màn tấu hài giữa tiền và trái bóng. Nhưng vài ngày sau, sự kiện động trời đã xảy ra một cách ngỡ ngàng khiến cả nền bóng đá Anh không kịp trở tay.

Mang Mourinho về năm 2004

Thứ Năm, ngày 26/6/2003, Chủ tịch Chelsea, ông Ken Bates gặp gỡ người đàn ông Nga tại khách sạn Dorchester. Cuộc gặp gỡ kéo dài gần 2 tiếng với thông tin tuyệt mật. Trưa ngày hôm sau, thứ Sáu (27/6), Ken Bates ngồi tại trụ sở ở SVĐ Stamford Bridge, ông bốc máy gọi điện thoại cho Keith Harris, chuyên viên ngân hàng, người tư vấn tài chính của Chelsea: “Tôi cần cậu ở đây. Stamford Bridge. Ngay lập tức!”. Lại một cuộc đối thoại ngắn diễn ra với nội dung: giá trị của Chelsea và khả năng bán CLB cho một tỷ phú nước ngoài.

Ngày hôm sau, một cuộc họp BLĐ được tổ chức trong phòng họp tại Stamford Bridge, với một tấm bảng được dựng lên có nội dung: “Đế chế Rome không được xây dựng bằng những cuộc họp, nó được tạo ra bằng cách giết người theo cách của nó!”. Diễn biến cuộc họp gần như chỉ gói gọn trong việc thủ tục chuyển quyền sở hữu CLB. Lúc 7 giờ sáng 1/7/2003, thông tin Chelsea rơi vào tay tỷ phú Nga được chính thức đăng tải. Một thương vụ vĩ đại mà Keith Harris nói rằng: “Trong sự nghiệp của tôi, chưa bao giờ có cuộc thỏa thuận nào nhanh đến thế!”.



Có chức vô địch Premiership 2005

Gương mặt người đàn ông đeo kính đen, ăn mặc sang trọng bước chân xuống sân bay London được đăng tải trên khắp các mặt báo vào sáng ngày 1/7/2003. Ông ta là Roman Abramovich, một trong những người giàu nhất hành tinh. Và đó là lý do tại sao tấm bảng đặt trong phòng họp ở Stamford Bridge lại viết “Đế chế Rome”. Và quả thật, một đế chế đã được tạo ra ở Stamford Bridge: đế chế Roman. Hàng loạt người Nga xuất hiện ở Stamford Bridge. Những người thân cận của Abramovich lần lượt được đưa vào các vị trí trọng yếu. Mới đây nhất là Marina Granovskaia, cánh tay phải của Abramovich nhiều năm qua được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo.


MỘT KỶ NGUYÊN CÔNG VÀ TỘI

Ngay mùa Hè đó, Abramovich đã thay đổi Chelsea nhanh như cách ông thâu tóm CLB, khi chi 150 triệu bảng cho việc chuyển nhượng. Một con số dường như chỉ có trong trí tưởng tượng. Nó chính là chất xúc tác mang tính quyết định để xóa sạch dấu vết cũ của Premier League và tạo ra một Premier League hoàn toàn mới. Trước khi có đế chế Roman, Premier League thường mua những cầu thủ nước ngoài bắt đầu bước qua thời kỳ đỉnh cao. Nhưng đột nhiên, số tiền của Abramovich giúp Chelsea mang về những ngôi sao đương thời. Sự thay đổi đến từ đó. Quỹ lương phình ra một cách đột biến. Lạm phát lương trở thành vấn nạn khi các ngôi sao ở CLB khác nhìn vào Chelsea để so sánh.

Cơn địa chấn xảy ra ở Stamford Bridge không chỉ làm rung chuyển London, mà còn làm rúng động cả Premiership khi hàng loạt những cuộc chạy đua diễn ra lôi tất cả các CLB lớn phải tham gia. Những đối thủ lớn của Chelsea đều lao vào một cuộc tìm kiếm nguồn tiền từ các tỷ phú nước ngoài. Và điều quan trọng là chính Chelsea đã tạo ra một cuộc lạm phát, bùng nổ tiền lương và chuyển nhượng, bắt đầu cho một trào lưu “đấu giá danh vọng” kéo dài bất tận, càng ngày càng leo thang không chỉ ở Premier League mà thiết lập trên toàn châu Âu.

Champions League 2012 và Europa League 2013

Hệ quả của nó là Premer League trở thành sân chơi không có sự công bằng, với một cuộc chiến không lành mạnh. Ở đó, kẻ nào giàu sẽ thành công. Nó khiến UEFA cũng phải đau đầu vào cuộc với Luật công bằng tài chính.

Ngày đế chế Roman được thiết lập, không ai nghĩ nó sẽ kéo dài 10 năm, cũng chẳng ai tưởng tượng ra nó sẽ thay đổi cả một nền bóng đá, nhất là khi hình ảnh của tỷ phú Mohamed Al-Fayed ở Fulham vẫn rất nhạt nhòa. Nhưng thực tế khác xa trí tưởng tượng. Một Premier League mới đã hình thành. Có thể có những vấn đề về sở hữu, vấn nạn kinh tế, nhưng rõ ràng Premier League đã đắt giá, hào nhoáng, hấp dẫn hơn trước rất nhiều, với giá trị của nó đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước. Đó là thành công của Abramovich và có lẽ là của cả Premier League!

Chelsea bị thâu tóm trong bao lâu?

Từ khi nhận lời đề nghị mua lại Chelsea đến khi quyết định bán CLB, Chủ tịch Ken Bates chỉ gặp Abramovich đúng 1 lần vào ngày 26/6/2003. Như vậy, Abramovich thâu tóm Chelsea chỉ mất đúng 5 ngày. Chính xác là 107 tiếng.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives