Trang

25 tháng 1, 2012

HLV và thói nhai kẹo: Ngồi buồn... chóp chép cho vui

Các bạn trẻ đang yêu nhai kẹo cao su cho sạch răng, và dĩ nhiên là cho cả những nụ hôn tuyệt vời nữa. Con nít mới lớn nhai gum cho… ra vẻ, hoặc bé hơn tí nữa thì nhai gum và tập thổi bong bóng. Có cả mục tiêu chữa bệnh, hoặc gần như thế, khi người lớn nhai gum (để cai thuốc lá). Còn trong bóng đá, tuyệt đại đa số các HLV nhai gum để kiềm chế cảm xúc, giữ bình tĩnh, tăng khả năng tập trung và suy nghĩ.


Chúng ta hãy đi sâu tí nữa, vào thói quen này của các HLV khả kính, từ Fabio Capello cao ngạo đến ngài Alex Ferguson quyền quý, xem họ… nhai như thế nào. Hóa ra, nhai kẹo cao su cũng có đến dăm bảy đường, đừng đùa!

LỊCH LÃM NHƯ NGÀI ALEX



Nếu Olympic 2012 giới thiệu môn mới - môn nhai kẹo cao su, hoặc cụ thể hơn là nhai kẹo cao su nghệ thuật, giống môn cưỡi ngựa nghệ thuật - bạn cứ yên tâm đặt cược vào Alex Ferguson mà không sợ thua. Hầu như không bao giờ ngài Alex xuất hiện trên màn ảnh truyền hình mà không nhai gum (viết tắt của từ tiếng Anh "chewing gum - kẹo cao su"). Vậy thì, ông đã nhai hết bao nhiêu thanh kẹo trong hàng ngàn chuyến cầm quân, suốt 37 năm qua?

Điều đáng chú ý không phải là khối lượng kẹo cao su khổng lồ mà Ferguson đã tiêu thụ. Nhìn cách nhai chậm rãi, từ tốn, nhỏ nhắn của "ông già gân" đầy quyền lực, đã thống trị Old Trafford hơn 1/4 thế kỷ, người ta cảm nhận rất rõ sự lịch thiệp của ngài Alex. Chẳng biết ông độc đoán cỡ nào, nhưng chắc chắn những khán giả nữ sẽ có cảm tình khi xem cách nhai kẹo của ông: nhẩn nha, điệu đàng, lịch thiệp như… một chú chuột nhắt đang thưởng thức mẩu pizza bé xíu. Ấn tượng đặc biệt: Ferguson luôn ngậm miệng khi nhai kẹo!

CHẾT VỚI ALLARDYCE!

Hoàn toàn trái ngược với hình ảnh "nghệ thuật" của Alex Ferguson là cách nhai kẹo của đồng nghiệp Sam Allardyce. Rất sỗ sàng! Miệng mở lớn, cứ như tảng gum mà Allardyce đang xử lý phải to bằng quả bóng golf. Giả sử một cameraman (người quay phim) nào đó muốn ghi được hình ảnh "độc" để thỏa mãn sự tò mò và câu khách cho kênh truyền hình của mình, anh ta có thể "canh" Allardyce.


May mắn một tí, dám ghi được cả hình ảnh hai quả amidan trong cổ họng Allardyce chứ chẳng chơi. Cựu HLV Bolton, nay đang dẫn dắt West Ham, luôn nhai mạnh, biên độ lớn, quai hàm liên tục di chuyển theo cả phương ngang lẫn phương thẳng đứng. Cũng có vẻ như ông đang mượn răng của người khác và yên tâm… xài chùa. Cũng có vẻ như ông đang ăn kẹo mạch nha nhưng lại quên rằng mình chỉ có răng giả. Gương mặt "bự chảng" và cặp mắt thường hay trợn trừng của Allardyce cũng rất phù hợp với cách nhai gum của ông.

TRÁI NGƯỢC VỚI PHONG CÁCH CHƠI BÓNG

Hồi còn chơi bóng, Stuart Pearce là một hậu vệ quả cảm, kiên cường, là một tấm gương sáng về ý chí chiến đấu. Ông cũng thường xuyên vượt qua giới hạn của những điều tốt đẹp ấy, trở thành một hậu vệ chém đinh chặt sắt khét tiếng, như muốn mua đứt cầu thủ chạy cánh của đối phương để làm bữa điểm tâm cho mình. Lạ thay, khi bước vào nghề huấn luyện thì Pearce lại mang hình ảnh ngược lại, ít nhất là qua… phong cách nhai gum của mình.


HLV đội Vương quốc Anh tại Olympic 2012 cũng giống như ngài Alex ở cách nhai lịch sự, không bao giờ mở miệng. Nhưng nếu Alex Ferguson là một hình ảnh đáng xếp vào loại mẫu mực trong lĩnh vực này, thì Pearce lại có vẻ thái quá trong hình ảnh nhút nhát, nhẹ nhàng. Pearce nhai gum bằng răng cửa, cắn rất nhỏ, động tác vừa nhẹ hơn, lại vừa lâu hơn Ferguson.

CAPELLO ĐANG NHAI... ĐỐI THỦ?


Thế còn HLV trưởng đội tuyển Anh, Fabio Capello? Hồi ông còn chơi bóng, đá vai tiền vệ cho AS Roma và Juventus, các hãng kẹo cao su có hẳn phong trào tặng sticker hình cầu thủ, để trong gói kẹo. Sticker có ảnh Capello rất được ưa chuộng. Cũng chẳng biết đấy có phải là ngôi sao chuyên quảng cáo kẹo cao su hay không. Bây giờ, chỉ biết rằng Capello luôn nhai gum một cách giận dữ, cứ như miếng gum trong miệng chính là đối thủ trên sân, mà đội tuyển Anh của ông đá mãi không thắng. Động tác đánh hàm lên, xuống của Capello trông rất lạ, làm cho người xem liên tưởng hình ảnh các diễn viên xiếc đang nhảy lên rồi lại rơi xuống trên tấm nệm lò xo thật dày.

Dân Mỹ tiêu thụ khoảng 40% tổng sản lượng kẹo cao su trên toàn thế giới. Ở Anh, Pháp, Đức và TBN, có 50% số người trên 15 tuổi thường xuyên nhai kẹo cao su. Dân Anh tốn khoảng 325 triệu bảng/năm để mua kẹo cao su.

KHOE RĂNG... TĂNG TRÍ TUỆ

Theo một công trình nghiên cứu của Lucy Wilkinson và tiến sĩ Andrew Scholey ở đại học Northumbria (Anh) thì việc nhai kẹo cao su có lợi cho các hoạt động của não bộ. Việc nhai kẹo có thể làm tăng nhịp tim một cách vừa phải (5-6 nhịp/phút), từ đó tăng lượng oxy lên não. Động tác nhai cũng làm tăng việc tiết insulin trong cơ thể và tăng khả năng hấp thu đường huyết ở não. Khả năng nhớ trong thời điểm tức thời hoặc nhớ sau một khoảng thời gian dài đều tăng, có thể đến 35%. Khả năng tập trung tinh thần khi nhai kẹo cao su cũng tăng hẳn.


Sau những bài test thông thường để xác định một nhóm 75 người tương đồng với nhau về mức độ thông minh và nhiều đặc điểm khác, các nhà nghiên cứu chia họ thành 3 nhóm: một nhóm nhai kẹo cao su, một nhóm giả vờ nhai, và một nhóm hoàn toàn không nhai. Tất cả đều được nghe 15 từ như nhau. Kết quả: nhóm vừa nhai kẹo vừa nghe nhớ được 8 hoặc 9 từ ngay sau đó, và nhớ được bình quân 7 từ sau 25 phút. Hai nhóm còn lại đều chỉ nhớ 6-7 từ ngay sau đó và chỉ nhớ bình quân 5 từ sau 25 phút.

Các nhà nghiên cứu giải thích: bản thân thanh kẹo không có tác dụng gì, nhưng hành động nhai kẹo lại đánh lừa cơ thể, làm như cơ thể đang ăn, từ đó việc tiết insulin cũng tăng, kéo theo hệ quả có lợi cho trí nhớ, do khu vực tiếp nhận đường huyết ở não có liên quan đến vấn đề trí nhớ. Còn vấn đề tăng nhịp tim tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến não nhưng lại làm tăng việc vận chuyển oxy qua mạch máu lên não, như đã nêu trên. Các giáo sư cũng khẳng định: công trình nghiên cứu này góp phần giải thích vì sao các HLV bóng đá thường nhai kẹo cao su trong những trận đấu căng thẳng.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives