Trang

26 tháng 9, 2012

Chủ tịch VFF: 'Có nhiều cách cứu bóng đá Việt Nam'

Ông Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định, VFF sẽ là đơn vị đi tiên phong, là cầu nối giúp các đội vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đưa ra giải pháp để cứu bóng đá Việt Nam. Ảnh: Mai Hương.
Thời gian qua, liên tiếp nhiều ông bầu lên tiếng sẽ rút lui không đầu tư bóng đá, đồng nghĩa với việc nhiều CLB đứng trước nguy cơ giải thể hoặc trả về cho địa phương quản lý. Sau hơn 10 năm lên chuyên, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đối mặt với vô vàn những thách thức như hiện tại. Bản thân VFF là người chủ của cuộc chơi, một mặt thể hiện sự bình tĩnh của mình, một mặt kêu gọi các CLB cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡi mọi khó khăn.

Ông Hỷ đánh giá: “Trong tình hình hiện nay, chẳng một doanh nghiệp nào lại không gặp khó khăn về vốn cả. Khó khăn thì ai cũng thấy, nhưng chưa ảnh hưởng đến mức khiến các đội bóng tiếp tục không thể tham gia được. Vấn đề quan trọng bây giờ là tất cả CLB của V-League và hạng Nhất nên cần ngồi lại với nhau, để có thể tiến tới thống nhất, làm thế nào giải đấu vẫn còn tiếp tục trong điều kiện kinh tế và các vấn đề khác tác động trực tiếp tới CLB. Chúng ta có nhiều khó khăn có thể vượt qua được, thì đây cũng là một khó khăn, thử thách cần phải điều chỉnh”.

Những điều chỉnh đó, theo ông Hỷ, quan trọng nhất chính là vấn đề đầu tư ở các CLB, vốn đầu tư làm sao cho vừa phải, đúng mức. Tại Đại hội thường niên sắp tới, VFF sẽ thống nhất điều chỉnh về vốn đầu tư với các CLB. Trước đây, không có giới hạn nào cả, chỉ đưa ra theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp là số vốn khoảng 35-40 tỷ đồng mỗi CLB hàng năm. Vì thế, VFF không thể kiểm soát được bởi có ông chủ phát triển nóng khi đầu tư 70-80 tỷ đồng chỉ trong một mùa bóng, trả lương trên trời dưới đất, dẫn tới thực tế những cầu thủ được trả lương cao giờ hạ xuống rất khó chấp nhận. “Chúng ta có thể đưa ra một quy định, anh nào vượt khung sẽ bị xử lý. Rồi vấn đề về lương, thưởng… cũng phải thống nhất với nhau. Hội nghị tổng kết năm nay là một trong những hội nghị rất quan trọng, vì tất cả phải thống nhất với nhau nhiều vấn đề”, ông Hỷ nói.

Nền kinh tế khó khăn, tình hình nợ xấu, nhiều dự án không có vốn để triển khai. Để tháo gỡ chỉ cách thống nhất với nhau. Trong trường hợp các bên không tìm được tiếng nói chung thì VFF sẽ là người đứng ra điều chỉnh toàn bộ quá trình đầu tư, thực hiện những vấn đề để CLB tồn tại trong điều kiện như thế này. Riêng về một số ý kiến cho rằng cần phải hoãn giải đấu lại, ông Hỷ cho rằng, nếu chỉ mới thấy khó khăn đã hùa nhau cho rằng cần lùi thời gian tổ chức giải đấu, là phương pháp, cách nghĩ rất tiêu cực trong một nền bóng đá.

Cách giải quyết, cũng được VFF vạch ra cho các CLB. Chẳng hạn như thay thế CLB một ông chủ bằng CLB nhiều thành viên, nhiều cổ phần cùng gánh vác. “Tôi cho rằng có nhiều biện pháp để có thể cứu vãn nền bóng đá phát triển bình thường. Đừng quên rằng, khi đã phát triển nóng, đua nhau về thành tích, sẽ vướng khó khăn là khó tránh khỏi. Chúng ta phải nhớ rằng cơ chế thị trường làm cho bóng đá phát triển, nhưng cũng khiến bóng đá khó lường được những nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình hình không đến nỗi bi đát như thế. VFF chưa nhận thông báo bằng văn bản đội nào xin nghỉ, xin hoãn, mà chỉ bằng ý kiến đang tìm cách tháo gỡ. Trước mắt các CLB sẽ tự tìm cách giải quyết. Bản thân VFF cũng sẽ có những hỗ trợ trong việc tháo gỡ khó khăn, bằng những cơ chế thích hợp. Bây giờ phải đưa ra sự thống nhất và sẽ đưa vào nghị quyết. Trên tinh thần nghị quyết đó, không chỉ có các CLB mà cả các thành viên như cầu thủ, HLV… phải thực hiện”, ông Hỷ nhấn mạnh.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives