Trang

8 tháng 12, 2012

Kẻ chống lại hệ thống

     
Chưa bao giờ Arsenal ở vào tình thế như hôm nay kể từ khi Arsene Wenger đến và gắn bó với pháo thủ. Một đối thủ như West Brom cũng có thể khiến cho họ cảm nhận được sự bất an trước khi ra sân và đó không phải là một Arsenal-đế-chế như chúng ta từng thấy.


1. Thực sự, đã vài mùa bóng rồi, Arsenal không còn là “ông kẹ” để các đội bóng nhỏ hơn phải cảm thấy e sợ mỗi khi đối diện với họ. Và vì thế, kết quả của Arsenal nghèo nàn dần cũng là hợp với tự nhiên.

Dần dần, từ một đội bóng được coi là được tạo ra để chống lại M.U trong cuộc đua vô địch, Arsenal phải chống lại nhiều đối thủ hơn, như Chelsea, như Liverpool. Rồi kế tiếp đó, họ bắt đầu tụt bậc uy tín để chỉ chống lại những đội hạng khá như Tottenham, Newcastle, Everton… trong cuộc đua Top 4.

Có khi nào, mùa bóng này, người ta sẽ chứng kiến một Arsenal chỉ còn chống lại những đội bóng còn làng nhàng hơn, kiểu như hiện tượng West Brom hay Swansea, cho một suất tham dự Europa League?
Đó thực sự là một bi kịch cho một đội bóng từng có cả một thập niên rất hào hùng trước đó.

2.Nhưng thực sự, Arsenal không phải chống lại chỉ những đối thủ với những cái tên cụ thể, ở những vị trí cụ thể.

Họ đang chống lại cả một hệ thống đang vận hành ầm ầm bên ngoài Emirates, theo một triết lý ngược lại với Emirates.

Ngày trước, Henry được Arsenal ký một hợp đồng gia hạn với mức lương trên 100.000 bảng/tuần, một ngoại lệ mà trong đó, sự tri ân với Henry lớn hơn là sự đánh giá mức lương dựa vào năng lực của anh. Có thể nói, chưa có cầu thủ nào được Arsenal ưu đãi như Henry kể từ khi Wenger tới. Và anh xứng đáng với những ưu đãi đó, xứng đáng với mức lương đó, từng cắc từng xu.

Ngày nay, Arsenal muốn Walcott ở lại và tăng lương lên cho anh 75.000 bảng/tuần. Nhưng Walcott vẫn muốn ra đi, vì anh muốn trên 100.000 bảng mà Arsenal thì không thể đáp ứng mức đó.

Không phải Walcott muốn sánh ngang với Henry mà vì anh ý thức được mình xứng đáng với giá trị ấy theo đúng như thời cuộc, từng cắc.

Mức lương 200.000 bảng/tuần cho một cầu thủ ngôi sao đã trở nên phổ biến ở tất cả các đội bóng lớn tại châu Âu, trừ Arsenal.

Thế nên, nói họ chống lại cả hệ thống là vì thế…

3.Arsenal đang làm ăn có lãi. Vậy thì tại sao họ không nới rộng biên độ ngân sách lương để khỏi phải làm cái việc chống lại cả một hệ thống bên ngoài như vậy?

Tại vì họ vẫn còn mơ mộng viển vông, một giấc mơ có thể làm bóng đá dựa trên những cam kết trung thành bằng tình cảm.

Thế nên, họ trả lương các cầu thủ trẻ cao hơn các đội bóng khác, song không sẵn sàng tăng lương vọt xà khi những cầu thủ ấy trưởng thành. Trên 100.000 bảng/tuần ở Arsenal đã khó, nói gì đến mức trong mơ mà những Van Persie, Clichy, Ashley Cole… đang nhận được sau khi rời sân Emirates.

Nhưng Wenger vẫn mơ mộng sẽ có người gắn bó với Arsenal đến trọn sự nghiệp, như Dennis Bergkamp, như  Tony Adams…

Chắc ông quên, Henry cũng đã rời Arsenal mà đi, sau khi anh đã thỏa nguyện về lương.
Song, suy cho cùng, cách làm bóng đá của Arsenal vẫn có một vẻ đẹp rất riêng và vô cùng hấp dẫn: vẻ đẹp của những kẻ mộng mơ còn sót lại cuối cùng.

Con người ta có thể sống mà không có danh hiệu nào trong suốt cuộc đời. Cuộc đời đó, nói chung cũng chẳng có gì là thảm họa.

Nhưng sẽ là thảm họa thực sự, nếu cả cuộc đời, không một lần dám mơ mộng viển vông…

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives