Trang

23 tháng 8, 2012

Becamex Bình Dương: 4 mùa trắng tay!


Mùa thứ 4 liên tiếp, B.BD trắng tay ở mặt trận V-League. Vị trí thứ 6 chung cuộc ở mùa giải 2012 thực sự rất khó nuốt trôi nếu nhìn vào những khoản đầu tư kếch xù từ đầu mùa của BLĐ.

Nhiều ngôi sao ở B.BD chỉ biết mạnh ai nấy đá...
TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Đến bây giờ, người ta vẫn không hiểu nổi tại sao B.BD lại bỏ ra 8 tỷ đồng để mua Việt Thắng từ V.NB, rồi sau đó lại cho Thanh Hóa mượn tiền đạo này. Có một sự thật, “cái tuổi nó đuổi xuân đi” nhưng Thắng vẫn còn hữu dụng. Bằng chứng, tiền đạo này vẫn chơi khá tốt trong màu áo đội bóng xứ Thanh. Đề cập đến Việt Thắng để thấy rằng, chuyện chuyển nhượng của đội bóng đất Thủ dường như đang có rất nhiều vấn đề.

Đương nhiên, không chỉ Việt Thắng, người ta còn đặt ra vô số câu hỏi về đội hình gồm cả Tây, ta lẫn cầu thủ nhập tịch được mua bằng rất nhiều tiền hồi đầu mùa. Thậm chí, ở trận cuối trên sân nhà gặp SG.XT, khán giả đất Thủ đã đứng dậy và chỉ trích dữ dội màn trình diễn kém cỏi của B.BD vì cầu thủ của họ mạnh ai nấy đá.

Tiêu chí của lãnh đạo B.BD là lấy bóng đá để phục vụ nhân dân. Nếu xét trên mọi yếu tố, thì có vẻ như chính sách “tiền mua hạnh phúc” đã thất bại hoàn toàn.

LỖI HỆ THỐNG Ở THƯỢNG TẦNG
Kết thúc mùa giải 2011, tức là mùa thứ 3 trắng tay sau chức VĐQG năm 2008, B.BD đã làm cuộc cách mạng ở thượng tầng. Nó bắt đầu bằng việc vời lại HLV Lê Thụy Hải. Ông Hải xuất hiện trong cabin kỹ thuật được coi là một “nốt nhạc vui”, bởi “cố nhân” này có biệt tài là biết phớt lờ và biết thỏa hiệp với cầu thủ những lúc cần thiết.

Nhưng, HLV Lê Thụy Hải đã phải ra đi khi chưa kịp gõ nốt nhạc nào. Đằng sau sự ra đi của vị HLV lão làng này người ta nhận ra, ở đất Thủ không có chỗ cho cái gọi là “thầy đi đâu có đệ tử ruột ở đó” (HLV Lê Thụy Hải đã đề nghị ký hợp đồng với rất nhiều học trò cũ khi đến B.BD). Cái cách ông Hải ra đi không kèn trống đến việc HLV Đặng Trần Chỉnh lên đóng thế rồi “gãy ghế” giữa đường lại là hai thái cực khác nhau.

HLV họ Đặng dù được giao chức thuyền trưởng, nhưng thực tế ông không có được cá tính sẵn sàng chơi “nước đôi” như người tiền nhiệm. Khi sự đối thoại, thỏa hiệp và tính phản biện mất đi, ông Chỉnh đã không trụ được trước những cơn sóng ngầm từ phòng thay đồ. Và rồi HLV Cho Yoon Hwan đến. Ông Cho là người Hàn Quốc, nên dĩ nhiên không giống các HLV người Việt. Tức, với ông Cho thì cầu thủ luyện tập chăm chỉ sẽ được ra sân. Khác biệt ấy đã làm cho không ít cầu thủ kêu trời vì trước đây trong tiềm thức họ, không phải chiến đấu trên sân tập cũng nghiễm nhiên có một suất đá chính.

Sự thay đổi từ ông Cho đã có những dấu hiệu tích cực, song nó lại quá muộn khi trái bóng V-League đã lăn về những vòng cuối. Vậy nên, người ta đang chờ đợi liệu ông Cho có được giữ lại và liệu B.BD sẽ xây dựng đội bóng theo cách “mềm nắn rắn buông”, hay “kỷ luật kiểu Hàn Quốc”?!

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives