Trang

23 tháng 8, 2012

Chuyện V-League: Chiếc băng đội trưởng và HLV ngồi bất động trên ghế


Trên băng ghế chỉ đạo có HLV trưởng và trên sân tất nhiên có cầu thủ đeo băng đội trưởng, chuyện này xưa như…trái đất, có gì mà bàn? Chiếc băng gắn cho ai, người đó đeo thêm trách nhiệm, trong một trận vẫn có thể giao cho 1 rồi 2 thậm chí 3 cầu thủ cơ mà, quan trọng gì đâu trong môn chơi luôn đề cao tính tập thể này nhỉ?

Tất nhiên là suy luận trên có lý

Nhưng ở V- League, hãy nhìn Đồng Tâm Long An và chiếc băng đội trưởng đeo trên tay ai thì sẽ biết đội bóng ấy thi đấu với kết quả như thế nào. Rõ ràng, thời Tài Em, rồi Minh Phương dẫn đầu đội bóng ra chào khán giả thì đội bóng thi đấu tốt, thăng tiến dần và đoạt ngôi vô địch (2004 - 2005, 2005 - 2006), còn sau đó, khi mọi việc khác đi, đội bóng từng được coi là hình mẫu của bóng đá chuyên nghiệp đã rớt hạng (2011).

Hiện tại, dù đã trở lại chỉ sau một mùa bóng nhưng sẽ rất khó để đội bóng này tìm lại được hình bóng oai hùng một thuở.

Câu chuyện này thể hiện rõ nhất ở SLNA với chiếc băng đội trưởng của Huy Hoàng. Quá trình trụ vững rồi trở lại đỉnh cao của đội bóng Xứ Nghệ không thể không nói đến vai trò của người đội trưởng với khả năng chuyên môn và vai trò đầu tàu, có sức thu hút thực sự đối với đồng đội và sự tôn trọng của đối thủ.

Ngôi vô địch V-League 2012 của SHB Đà Nẵng có sự đóng góp không nhỏ của đội trưởng Minh Phương (trái)
Từ lãnh đạo tỉnh, ngành TDTT đến BLĐ SLNA đã rất kỳ công và có tầm nhìn xa để bồi dưỡng, tạo điều kiện, đáp ứng các yêu cầu cá nhân nhằm phát huy vai trò của Huy Hoàng trong tập thể đội bóng nhiều tài năng. Thành công của SLNA vừa qua trước hết là thành công của việc trao đúng chiếc băng đội trưởng cho Huy Hoàng, làm tiền đề cho mọi việc sau này.

Hãy nhìn lại một số đội bóng mà ở đó không thiếu tài năng, không thiếu đầu tàu nhưng đã không được quan tâm đúng mức, để rồi giống như Tài Em, Minh Phương, các cầu thủ từng đeo băng đội trưởng rất “uy” như Trung Kiên (Nam Định), Việt Cường (Đồng Tháp)… lần lượt ra đi. Thành công ở đội bóng mới có lẽ chỉ có Minh Phương khi về SHB Đà Nẵng, còn lại thì giữ được tròn vai đã là đáng kể, chưa nói tới việc mất hút trên đấu trường V-League.

Tất nhiên, bóng đá chuyên nghiệp thì không nên bàn chuyện cầu thủ phải vì cái này, cái nọ, đơn giản họ có quyền được giải phóng khỏi mọi ràng buộc bất công. Nhưng nếu rời khỏi môi trường quen thuộc và thuận lợi, không phát huy được vai trò thì lại là sai lầm không thể sửa chữa. Điều này không chỉ cần đến ý thức và sự phấn đấu, rèn luyện của từng cầu thủ, mà còn tinh thần xây dựng, con mắt tinh tường của các nhà lãnh đạo, quản lý đội bóng.

Hãy nhớ lại câu chuyện chiếc băng đội trưởng ĐT Anh liên quan đến Terry và sự ra đi của HLV Capello. Mới đây khi về huấn luyện đội tuyển Nga, vị HLV này cũng đã không giao chiếc băng đội trưởng cho Arshavin như cũ mà cho Denixov, đủ thấy ông này có cách nhìn rất riêng về cầu thủ đeo băng đội trưởng trong việc triển khai thành công nhiệm vụ mà “chiến lược gia” ấy đặt ra.

Vậy nên, việc giao cho ai chiếc băng đội trưởng chính là phát đi rất các thông điệp, yêu cầu khắt khe ở mọi lúc, mọi nơi, trên sân tập, sân đấu và trong cả quá trình rèn luyện, trưởng thành của không chỉ người đeo trên tay…

Chả trách khi cầm quân, HLV nổi tiếng Lobanovxky cứ ngồi bất động trên ghế chỉ đạo mà lối đá tổng lực của D. Kiev và đội tuyển CCCP hồi đó quyến rũ và đáng sợ đến thế.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives