Trang

21 tháng 1, 2013

Sinh vật lạ trong quần áo may sẵn


Ngâm bộ quần áo nữ mới mua ở chợ về trong nước xà phòng khoảng 15 phút, lúc giặt bà Phụng phát hoảng khi phát hiện có hàng nghìn sinh vật giống như đỉa bò lúc nhúc, lớn dần và sinh sản rất nhanh.

Nhiều người hiếu kỳ đã kéo đến nhà chị Ngô Thị Kim Oanh (trú thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, Phú Yên) để xem những "sinh vật lạ" này.

Bà Nguyễn Thị Phụng (55 tuổi), mẹ của chị Oanh cho biết, sáng 13/1, bà mua bộ quần áo mới ở chợ Hạnh Lâm. Ngâm bộ đồ trong nước có xà phòng khoảng 15 phút, bà Phụng phát hiện nhiều đốm nhỏ màu trắng nổi lên trên mặt vải. Tiếp tục ngâm và đến lúc giặt, bà phát hoảng khi phát hiện có hàng nghìn sinh vật, nhìn giống như đỉa, nhỏ bằng hạt gạo, bò lúc nhúc. “Số sinh vật này càng lúc càng lớn dần và sau đó tiếp tục đẻ trứng sinh sản rất nhanh”, chị Oanh cho biết.



Những sinh vật nhìn giống như đỉa lúc nhúc trong bộ quần áo mới mua. Ảnh: A Ma Yên.

Ông Thi (cha chị Oanh) nói rằng đã thử dùng dầu hỏa để đốt những sinh vật, thậm chí ngâm trong thuốc diệt cỏ, nhưng chúng vẫn không chết và tiếp tục sinh sản. “Nó lớn rất nhanh và đẻ trứng cũng rất nhanh. Sau một ngày đêm từ bằng que tăm, chúng đã lớn bằng đầu đũa và đẻ trứng màu trắng đục”, ông Thi cho hay.

Gia đình chị Oanh đã trình báo sự việc với chính quyền địa phương. Ngay sau đó các ngành chức năng của xã Hòa Quang Nam đã lấy mẫu "sinh vật lạ" gửi đi kiểm tra. Ông Thi đã đào hố để lấp số sinh vật này và bịt kín miệng hố, đề phòng chúng bò, phát tán ra ngoài.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Học, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các xã có liên quan điều tra làm rõ.

"Chưa thể xác định sinh vật lạ từ quần áo may sẵn, từ nguồn nước hay có ai đó giá họa gây bất ổn thị trường trong dịp Tết. UBND huyện cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm xác định, làm rõ vụ việc để không ảnh hưởng đến hoạt động mua bán bình thường của tiểu thương và người dân”, ông Học nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Quang Nam, khi cán bộ đến nhà chị Oanh lấy mẫu thì chỉ còn bộ quần áo, các sinh vật đã được gia đình xử lý chôn lấp. Gia đình chị Oanh giao cho cán bộ y tế xã mẫu sinh vật chứa trong hũ, đề nghị xác định đó là con gì. Gia đình cũng cho biết ngâm chung với bộ quần áo mới còn có một áo thun đen, trong đó sinh vật giống đỉa chui ra từ đồ mới.

Bà Tống Thị Vần buôn bán ở chợ Nho Lâm xác nhận đã bán bộ quần áo cho chị Oanh với giá 95.000 đồng và xuất trình đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Hàng của bà Vần lấy của đầu mối tại chợ lầu TP Tuy Hòa. Những ngày qua sau sự việc, người mua có giảm nhưng bà Vần không thấy trường hợp nào báo phát hiện có “sinh vật lạ” tương tự chị Oanh.

Chiều 18/1, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã chuyển mẫu sinh vật giống đỉa phát hiện trong bộ quần áo mới, đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, để kiểm tra xác định loài.

Ông Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xác nhận, trung tâm đã cử cán bộ đến nhà bà Nguyễn Thị Phụng ở thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa, để lấy mẫu sinh vật giống đỉa nhưng không còn. Một mẫu do Trung tâm y tế huyện chuyển lên tỉnh sau đó được đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bình Định) để xét nghiệm.

Ông Hùng cũng nhận định, có thể đây chỉ là một loài côn trùng sống cộng sinh trong môi trường, không gây hại đối với con người. "Mọi người cũng đừng nên quá lo lắng khi phát hiện một loài sinh vật lạ mà chúng vô hại”, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Phú Yên nhấn mạnh.

Theo ông Lê Sỹ Phú, cán bộ côn trùng học Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, “sinh vật lạ” không giống đỉa mà giống ấu trùng bọ chét chó hoặc mèo. “Có thể bộ quần áo bà Phụng mua về cất trong kho tối nên chó hoặc mèo nằm trên đó, làm cho bọ chét đẻ ấu trùng lên áo. Ấu trùng nằm trong quần áo, gặp nước thì nở và có hình dạng như đỉa. Ấu trùng bọ chét chó hoặc mèo không ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Phú lý giải.

Cùng ngày Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên cũng đã kiểm tra mẫu quần áo có chứa sinh vật giống đỉa. Bà Tống Thị Vần, chủ sạp hàng ở chợ Nho Lâm là người đã bán bộ quần áo cho bà Phụng, cho biết lấy hàng từ sạp quần áo Hồng Chi ở chợ lầu TP Tuy Hòa. Trên nhãn mác có ghi dòng chữ BABY PHAT và MSPR…

Chủ sạp quần áo Hồng Chi xác nhận toàn bộ lô quần áo được mua ở chợ Tân Bình (TP HCM). Trên nhãn một bộ quần áo khác giống mẫu đã bán cho bà Vần có ghi dòng chữ IMP409 SNAKE BITE và Baby Fat nhưng không có địa chỉ cụ thể của nhà sản xuất. Mã vạch gắn trên mác là 691751.

Qua tra cứu mã vạch, cơ quan chức năng xác định quần áo này xuất xứ từ Trung Quốc (mã vạch Trung Quốc từ 690-695) và đã lưu giữ mẫu hàng này.



Bộ quần áo xuất hiện nhiều sinh vật giống đỉa. Ảnh: A Ma Yên.

Chính quyền xã Hòa Quang Nam cũng mời gia đình bà Phụng đến làm việc, yêu cầu cam kết trình báo đúng sự việc, nếu không sẽ chịu trách nhiệm. Lãnh đạo địa phương nhận định rằng "chưa thể xác định sinh vật nói trên xuất hiện từ quần áo may sẵn, nguồn nước hay có ai đó cố tình gây bất ổn thị trường trong dịp Tết".

Các chuyên gia côn trùng, sinh vật học thì cho rằng chưa tiếp cận được mẫu thì không thể kết luận sinh vật giống đỉa này là loài gì và có gây hại cho sức khỏe con người hay không.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu sinh vật lạ trong quần áo mới ở Phú Yên của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn không xác định thuộc loài côn trùng, ký sinh trùng nào. Mẫu được chuyển tiếp đến Viện Tài nguyên sinh thái Hà Nội.

Chiều 19/1, ông Lê Ngọc Linh, Viện phó Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế, đóng tại TP Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “Viện chúng tôi chuyên nghiên cứu về côn trùng, ký sinh trùng nhưng chưa bao giờ gặp loài sinh vật này vì nó không thuộc các loài côn trùng, ký sinh trùng nào hết. Đối chiếu trong các sách nghiên cứu, chúng tôi cũng không thấy loài sinh vật này. Trong thực tế, chúng tôi cũng chưa bao giờ gặp một sinh vật nào giống như mẫu sinh vật này, nó khá lạ".

Cùng ngày, Viện đã chuyển tiếp mẫu trên đến Viện Tài nguyên sinh thái Hà Nội - đơn vị chuyên nghiên cứu về sinh vật lạ - để tiếp tục kiểm nghiệm, xác định loài, theo ông Linh.

Kỹ sư Lê Đình Dũng, khoa Côn trùng - Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, không loại trừ khả năng đây là loài bị đột biến, hoặc loài mới. Ông Dũng băn khoăn: “Tôi chưa gặp trường hợp giống như vậy bao giờ. Phải chăng mọi người đã phóng đại sự việc? Trong mấy chục năm làm chuyên môn, tôi chưa gặp sinh vật nào giống như vậy”.



Theo ông Dũng, địa phương cho rằng đây là con giòi (ấu trùng), nhưng môi trường như cái áo làm sao con giòi phát triển được vì nhiệt độ cao, không có dinh dưỡng. Giòi chỉ phát triển ở các bãi rác, bải phân… nơi có nhiều chất hữu cơ. Giả thiết đây là bọ chét chó, mèo, cũng vô lý vì bọ chét nhìn là nhận ra ngay, nó nhảy rất dữ chứ không phải bò lúc nhúc, trứng của nó hầu như bất động. Hơn nữa con bọ chét không thể sinh sôi phát triển trong nước mà nó ký sinh trên động vật.

Có thông tin là sinh vật này sinh sôi trong nước, tự đứt khúc sinh ra từ từ. Ông Dũng cho rằng nếu đúng như mô tả thì chỉ có con sán xơ mít, lợn, bò, chó… mới đứt từng khúc như vậy, nhưng những loài này không phải là côn trùng. Mà con sán thì phải sinh sôi trong môi trường ruột người, lợn, chó…

"Nếu có mẫu tôi sẽ định loại nhanh là loài nào, giống nào, ngành nào, bộ nào, trừ trường hợp nó bị đột biến. Cũng có khả năng những người bán hàng gây mất uy tín lẫn nhau”, ông Dũng nói.

Theo kỹ sư Lê Đình Dũng, mấy năm trước có người nhập khẩu một loài ấu trùng lạ từ Ukraine về làm thức ăn cho cá cảnh. Ông đã phân loài, xác định đây là ấu trùng ruồi Nhuế chứ không phải ấu trùng muỗi như họ khai. Sau đó loài này bị cấm nhập khẩu. Nếu để con này trưởng thành thì Việt Nam sẽ có một loài ruồi mới.

By Unknown with

    • Popular
    • Categories
    • Archives